Cuộc nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 116 trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Mỗi trẻ đều được tham gia các bài đánh giá kỹ năng toán học và đọc hiểu ở thời kỳ đầu của quá trình học tập. Sáu tháng sau, trẻ được đánh giá lại. Kết quả đánh giá cho thấy trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với các trò chơi toán học tiến bộ nhanh hơn với cả hai môn toán học và ngôn ngữ.
Đồng tác giả cuộc nghiên cứu Amy Napoli thuộc trường Đại học Purdue cho biết: “Sắp tới có rất nhiều dự án nghiên cứu khác nhằm chứng minh rằng các kỹ năng toán học và ngôn ngữ liên hệ cực kỳ mật thiết với nhau”.
Nếu muốn kiểm nghiệm những ích lợi trẻ có thể nhận được từ các trò chơi toán học, các phụ huynh có thể thử các trò chơi dưới đây.
1. Toán học ghi nhớ
Thiết kế trò chơi:
Cắt giấy thành 20 hình vuông nhỏ. Trên 10 hình vuông, viết số từ 1-10 cho mỗi hình. Trên 10 hình vuông còn lại, gắn miếng dán hình ngộ nghĩnh vào từng hình, với mỗi hình là một số miếng dán từ 1-10.
Sau đó, lật ngược các tấm thẻ lại và chơi trò ghi nhớ với trẻ bằng cách yêu cầu trẻ ghép tấm thẻ có số với tấm thẻ có cùng số miếng dán.
2. Chạy theo dãy số
Nếu muốn khuyến khích trẻ vừa luyện tập trí nhớ, vừa tích cực vận động, hãy tìm đến trò chơi chạy theo dãy số.
Thiết kế trò chơi: Vẽ một đường thẳng trên nền và đánh dấu các số từ 0-25 bằng phấn viết bảng.
Bố mẹ có thể đặt ra nhiều luật chơi cho trò chơi này, phụ thuộc vào độ tuổi, nhận thức và sở thích của trẻ. Với trẻ nhỏ, luật chơi là trẻ tập đi trên đường thẳng và đếm các số. Khi trẻ đã chán, cha mẹ hãy đọc to một con số và yêu cầu trẻ chạy đến số đó. Với trẻ có thể dễ dàng nhận biết các con số, cha mẹ có thể tăng thêm độ khó cho trò chơi bằng cách đọc tên một con số và yêu cầu trẻ bổ sung một con số khác bằng cách bước đi với số bước bằng đúng khoảng chênh lệch giữa hai số. Đây là trò chơi khá thú vị với trẻ đang học cộng và trừ.
3. Cộng số cho kem
Tất cả những gì cần dùng cho trò chơi này là quân xúc xắc, bút sáp, giấy trắng và bản in hình cây kem (chú ý in đủ cho mỗi người chơi).
Các thuật ngữ cần biết:
Số hạng: các số để cộng. Tổng: kết quả sau khi cộng các số với nhau.
Cách chơi:
Người chơi đầu tiên đổ quân xúc xắc, sau đó viết phép tính với số hạng là hai số nhận được khi đổ xúc xắc. Ví dụ, nếu đổ xúc xắc được 3 và 4, người chơi viết phép tính: 3 + 4 = 7. Người chơi đầu tiên tô màu ô tổng trong hình cây kem. Trong ví dụ 3 + 4 = 7, 7 là tổng và sẽ được tô màu. Người chơi tiếp theo thay phiên nhau đổ xúc xắc để tìm ra số hạng, viết phép tính và tô màu ô tổng.
Cha mẹ nên sử dụng các thuật ngữ toán học nhiều nhất có thể khi chơi với trẻ và đánh giá khả năng tiếp thu từ mới của trẻ. Người chơi đầu tiên giải được các phép tính và tô màu hoản chỉnh cây kem sẽ chiến thắng trò chơi.